Nguy cơ điện giật khi tắm bình nóng lạnh

Nguy cơ điện giật khi tắm bình nóng lạnh,Bác sĩ chỉ cách sơ cấp cứu

Với nhu cầu sử dụng thiết bị nóng lạnh tăng cao làm tăng nguy cơ xảy ra các sự cố về điện ở các bình nóng lạnh. Vì vậy, ngoài việc gọi trung tâm bảo hành – bảo dưỡng định kỳ cũng nên trang bị thêm kỹ năng cứu người bị điện giật do dùng bình nước nóng để đảm bảo an toàn cho người bị nạn và cả bản thân mình.

BS.CKI. Đào Đức Cường – Phó khoa Hồi sức tích cực – Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết: Sơ cứu người bị điện giật đòi hỏi phải nhanh chóng, đúng cách và đảm bảo an toàn. Khi luồng điện đi qua cơ thể, nạn nhân có thể bị bỏng, hoặc các tổn thương khác như ngưng tim,… Chưa kể, nếu nạn nhân té ngã do điện giật còn gây ra các chấn thương ở đầu, cột sống. Do đó, nếu nạn nhân không được sơ cứu kịp thời có thể để lại di chứng nặng nề hoặc tử vong ngay tại chỗ.

Quy trình cứu người bệnh bị điện giật

1. Tắt cầu dao, gọi cơ quan chức năng (cấp cứu 115 và ngành điện);

2. Ở vị trí cách điện, dùng vật liệu cách điện tách người bị điện giật ra khỏi nguồn điện;

3. Sơ cứu: nhanh chóng đưa nạn nhân đến nơi an toàn, khô ráo.

Hướng dẫn cách cấp cứu cho người bị điện giật

Với những người bị điện giật thì cách cấp cứu phụ thuộc chủ yếu vào tình huống lúc đó diễn ra như thế nào:

Nếu nạn nhân ngưng tim ngưng thở: Kêu gọi trợ giúp, gọi cấp cứu 115. Hãy đặt bệnh nhân nằm ngửa, ở nơi thoáng khí. Sau đó, tiến hành nới rộng quần áo, dây thắt lưng. Thực hiện hồi sức tim, phổi như sau:

+ Đặt lòng bàn tay vào khoảng 1/3 phần dưới xương ức. Sau đó, để tay thẳng góc với xương ức rồi ép tim với tần số 100-120 lần/phút. Nên nhớ, không gián đoạn ép tim quá 10 giây.

+ Dùng trọng lượng cơ thể ấn lồng ngực nạn nhân lún xuống ít nhất 5 cm. Đảm bảo ép thẳng xuống xương ức.

Người lớn ưu tiên nhấn tim hơn thổi ngạt:

– 1 chu kỳ 2 phút

Tần số 100-120 lần/phút

– Ấn sâu ít nhất 5 cm

– Để ngực nảy lên hoàn toàn sau mỗi lần ấn tim

+ Tiến hành cấp cứu như vậy cùng người trợ giúp trong khi chờ lực lượng cấp cứu 115 đến hỗ trợ

Nếu nạn nhân tỉnh, da niêm mạc hồng

– Tiến hành chuyển nạn nhân tới nơi khô ráo, có không khí thoáng nhằm giúp nạn nhân tỉnh dần rồi đưa tới bệnh viện gần nhất để tiến hành theo dõi cũng như chăm sóc.

– Giữ cho người bệnh luôn ấm áp.

Một số lưu ý cần biết khi sơ cứu nạn nhân bị điện giật

– Trong quá trình sơ cứu người bị điện giật, phải thực sự bình tĩnh, tuyệt đối không được hoảng loạn. Bởi lẽ, thời gian để cứu được nạn nhân chỉ có vỏn vẹn vài phút.

– Cần tránh chạm vào nạn nhân cũng như khu vực truyền điện khi chưa tiến hành ngắt điện.

– Người tiến hành sơ cứu nên đeo găng tay cao su, đi dép khô, đứng ở nơi khô ráo để ngắt điện.

– Để bệnh nhân ở nơi thực sự khô ráo, thoáng khí cũng như nới rộng trang phục của bệnh nhân.

Những lưu ý khi máy nước nóng rò điện

● Không được chủ quan nghĩ rằng máy nước nóng đã có rơle ngắt điện nên vẫn đảm bảo an toàn. Rơle chỉ có nhiệm vụ điều khiển nhiệt độ nước của máy nước nóng và hoàn toàn không có chức năng chống điện rò ra nước.

● Không cắm điện máy nước nóng suốt 24/24, nhất là những máy nước nóng đã sử dụng quá lâu.

● Khi phát hiện những hư hỏng có khả năng gây ra sự cố rò rỉ, tốt nhất bạn nên ngưng sử dụng máy và kịp thời liên hệ nhân viên kỹ thuật đến kiểm tra, sửa chữa và thay thế.